Dây gắm là loài thực vật thân leo, mọc hoang ở các vùng núi cao ở nước ta. Dược liệu này có vị đắng, tính bình, công năng tán hàn, khu phong, trừ thấp, giải độc, sát trùng và tiêu viêm. Nhân dân thường sử dụng dây gắm để chữa rắn cắn, đau nhức xương khớp do phong thấp hoặc thống phong (bệnh gút).
Mô tả về cây dây gắm
Dây gắm là loài thực vật dây leo, sống nhờ trên các cây lớn. Thân dài 10 – 12m, có nhiều mấu, kích thước to và thường phình lên ở các đốt. Lá mọc đối xứng, phiến hình trái xoan hoặc thuôn dài, mép lá nguyên, mặt lá trên nhẵn và bóng.
Hoa đực và cái khác gốc, mọc thành từng nón ở kẽ lá. Cây ra hoa vào tháng 6 – 8 và kết quả vào tháng 10 – 12. Quả chín có màu vàng, bên trong chứa hạt to và có cuống ngắn.
Tên nước ngoài: Joint – fir (Anh)
Tên khoa học: Gnetum montanum Markgr.,
Tên đồng nghĩa: Gnetum scandens Roxb., Gnetum edule Kurz., Gnetum latifolium Parl.
Thuộc họ Dây gắm – Gnetaceae.
Dây Gắm thường phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, một số loài ở nhiệt đới châu Phi và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi; độ cao tới 1000m. Nguồn dược liệu từ cây Gắm ở Việt Nam khá dồi dào.
Gắm thường mọc ở kiểu rừng kín thường xanh ẩm. Những cây lớn có thể dài tới 20m. Cây mọc từ hạt, ngoài ra thì phần gốc còn lại sau khi bị chặt cũng có khả năng tái sinh cây chồi khỏe. Thời kì cây còn nhỏ ưa ẩm và ưa bóng.
Bộ phận dùng
Dây gắm mọc hoang nên khá dễ để tìm thấy và thu hoạch. Bà con đồng bào sẽ đi dọc các dãy núi có độ cao trên 1000m, sau đó thu hoạch và phơi khô. Các bộ phận của cây Gắm có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, thành phần chủ yếu được dùng làm thuốc là thân và rễ cây, thu hái quanh năm. Dược liệu sau khi thu hái thì rửa sạch, thái mỏng, phơi khô.
Thành phần hóa học
Thân Gắm chứa 6 chất là I, II, III, IV, 2,3 – diphenyl – pyrol và N, N’ – dimethylethanolamin.
Dây gắm còn có dl-demethylcoclaurin.
Từ dịch chiết Ethanol của loài dây gắm G. montanum thu tại Yên Bái, đã xác định có 4 hợp chất thuộc nhóm stibenoid gồm gnetifolin A, trans-pinosylvin, cis-resveratrol và gnetifolin E.
Đã có nghiên cứu xác định được trong dây gắm còn có các chất: daucosterol, axit ursolic và acid tetracosanoic, esveratrol, gnetol, 4 ‘, 5,7-trihydroxy-3’-methoxyflavone, beta –sitosterol.
Tác dụng dược lý
- Tác dụng trên viêm dây thần kinh: Dây gắm có tác dụng ức chế viêm dây thần kinh, nghiên cứu đưa ra rằng, Gắm có tác dụng này là do thành phần resveratrol.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Dây gắm có tác dụng ức chế Pseudomonas aeruginosa (hay còn gọi là Trực khuẩn mủ xanh).
- Tác dụng chống co thắt phế quản: Tiêm chất chiết xuất từ Dây gắm cho chuột thí nghiệm với liều 0,1mg/kg thể trọng thấy có tác dụng chống co thắt phế quản (bình suyễn). Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy nước sắc Dây gắm có tác dụng chống khó thở (bình suyễn) và giảm ho nhẹ. Tác dụng bình suyễn do hoạt chất dl-demethylcoclaurin hydrchlorid quyết định.
- Tác dụng với bệnh gút: Theo đề tài “Đánh giá tính an toàn và tác dụng điều trị bệnh Gút của Cao Dây Gắm” (Đặng Thị Như Hoa, Nguyễn Nhược Kim – Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái, Đại Học Y Hà Nội) cho kết quả của Cao dây gắm với bệnh gút:
- Giảm triệu chứng sưng nhức, nóng ran ở các khớp mà không cần phải dùng thuốc giảm đau, hạn chế lệ thuộc thuốc giảm đau.
- Giảm chỉ số acid uric máu.
- Bồi bổ, tăng cường chức năng gan, thận giúp thận khỏe hơn để đảm nhận tốt nhiệm vụ đào thải acid uric qua thận.
- Tăng khả năng đào thải acid uric theo đúng cơ chế sinh học.
- Các hoạt chất trong Cao Gắm tác động hòa tan các tinh thể Urat thành phân tử nhỏ để đào thải trở lại máu qua các mao mạch và cuối cùng thải ra ngoài cơ thể theo đường tiết niệu
Tính vị, công năng
Dây gắm có vị đắng, tính ôn, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, tan ứ. Tác dụng theo Đông Y xa xưa là chữa phong thấp đau nhức xương, rối loạn kinh nguyệt, rắn cắn. Nhân dân còn dùng dây gắm sắc nước uống làm thuốc giải độc, ngộ độc và chữa sốt, sốt rét.
Liều dùng 15-30g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Ở Trung Quốc, rễ gắm được dùng chữa bệnh hạc tật phong (bệnh sưng đau đầu gối).
Các bài thuốc có dây gắm
- Chữa tê thấp, đau nhức gân xương
Rễ gắm, rễ rung rúc, vỏ cây hoa giẻ, vỏ thân ngũ gia bì chân chim mỗi thứ 80g, rễ bướm bạc, rễ tầm xuân, rễ bưởi bung, rễ sâm nam, rễ cỏ xước, rễ ô dược, tầm gửi cây dâu, rễ bạch đồng nữ, rễ xích đồng nam mỗi thứ 40 g, rễ chỉ thiên, cỏ roi ngựa mỗi thứ 20g. Thái nhỏ, phơi khô, ngâm rượu, uống mỗi ngày một chén.
- Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh
Rễ gắm 20g, ích mẫu 20g, lá đuôi lươn 15g, nhân trần hoặc bồ bồ 15g, bạch đồng nữ hoặc xích đồng nam 15g, nghệ đen 10g, tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.